Lên VGU học được môn thuyết trình ở lớp của James Reynolds, rất vui. Viết cái này ra để sau này tự đọc lại.

1. Chuyện thứ nhất

James bữa nào cũng cầm một cốc cà phê, áo sơ mi trắng không gài nút ở cổ tay, quần kaki đen xám.

Ngày đầu tiên, James đưa ra một chủ đề là “Giới thiệu bản thân” và kêu mọi người hãy nghĩ ra 3 điều thú vị về bản thân. James xếp lớp thành các nhóm nhỏ giống như hồi tiểu học.

James bảo không cần phải viết ra gì cả, vì mình tất nhiên phải biết mình là ai.

Xong James đặt tên A, B, C, D cho bốn người trong từng nhóm. James gọi tất cả người A đứng lên giới thiệu bản thân trước nhóm của mình. Và lần lượt người B, C, và D sẽ lên sau khi A xong.

Sau khoảng 5 phút, James nhắc nhở: “Tại sao các bạn đứng thuyết trình mà lại chống tay lên bàn? Nhìn rất là thiếu tự tin. Nguyên tắc đầu tiên là ‘Don’t hold on to the desk.’ Làm lại nào.”

Cứ 5 phút kết thúc, James lại có một nhắc nhở mới và bắt mọi người làm lại từ đầu. :))

Kết cục thì có 7 hằng đẳng thức đáng nhớ sau:

  1. Don’t hold on to the desk.
  2. Stand at the right place.
  3. Make everyone face you.
  4. Don’t hide yourself.
  5. Number your information
  6. Repeat important information
  7. Ask questions to check your audiences

Sau đó, James xóa hết 7 dòng trên bảng và kêu vài học sinh đọc lại.

2. Chuyện thứ hai

Sau đó mới để ý thì James sẽ vừa giảng bài vừa lượn quanh căn phòng, nếu ai không đưa mắt theo nhìn ổng, ổng sẽ ngưng giảng và bắt người đó xoay ghế lại để nhìn ổng giảng (nguyên tắc 3).

James có một cái hay là lồng ghép ví dụ vào chính cái cách mà ổng thể hiện. Tức là, nếu ổng dạy mình cái gì về thuyết trình thì chính bản thân ổng đã là một ví dụ sống để học sinh học theo. Cái này mình đánh giá là cực ngầu, kiểu nói được làm được, không có dạy lý thuyết suông.

James cho rằng 3 nguyên tắc cuối là cách để khán giả nhớ những gì mình nói, đó cũng là mục tiêu của presenter.

Hóa ra, chuyện James bắt học trò làm lại từ đầu nhiều lần là nguyên tắc 6. Cứ bắt học trò làm thử lần đầu không hướng dẫn; rồi đưa ra nguyên tắc 1, sau đó bắt học trò làm lại từ đầu nhưng lần này tuân theo nguyên tắc 1; rồi đưa ra nguyên tắc 2, sau đó bắt học trò làm lại từ đầu nhưng lần này phải tuân theo nguyên tắc 1 và 2; cứ như thế cho đến hết nguyên tắc 4.

Hóa ra, việc James liệt kê các nguyên tắc trên bảng là nguyên tắc 5.

Hóa ra, việc James xóa hết mọi thứ trên bảng và hỏi lại là nguyên tắc 7.

Cách dạy của James là ví dụ cho chính những gì James dạy.

3. Chuyện thứ ba

Bài giảng của James về cách thuyết trình có cấu trúc như sau:

  1. Giới thiệu (10-20%)
    1. Chào hỏi
      • James chào
      • Giới thiệu bản thân
      • James hỏi mọi người đã sẵn sàng nghe chưa
    2. Giới thiệu chủ đề
      • Chủ đề gì?
      • Tại sao nó lại quan trọng đối với học sinh?
      • Tại sao nó lại thú vị?
    3. Giới thiệu bài thuyết trình
      • Dài bao lâu?
      • Các phần (section) của bài nói
      • Nói gì ở phần kết luận?
  2. Thân bài (70-80%)
    1. Giao tiếp với khán giả
      • Mắt: Phải cố gắng nhìn tất cả mọi nhóm khán giả. Trong phòng nhỏ khoảng 20 người như lớp học, phải cố lần lượt nhìn vào mắt mọi người, mỗi người khoảng 2 giây.
      • Im lặng: Khi thấy khán giả không chú ý, cách nhanh nhất để có lại sự chú ý là im lặng. Cứ im lặng thì tự nhiên người ta sẽ nhìn mình.
      • Hành động: Bắt khán giả tham gia một hoạt động gì đó để khiến họ luôn chủ động. Ví dụ như hỏi khán giả những câu hỏi để phục vụ cho bài thuyết trình, hoặc kêu khán giả suy nghĩ hay liệt kê một vấn đề gì đó.
    2. Ngôn ngữ cơ thể
      • Mặt: Khuôn mặt phải tươi tỉnh và thể hiện cảm xúc vui vẻ thân thiện. Đừng quan tâm mặt mình đẹp hay xấu, mình cứ tự tin thoải mái thì mình sẽ trông rất ngầu trong mắt người khác. 8))
      • Tay: Đừng có giữ tay trong túi quần hay bắt tay ra sau lưng. Cứ thả lỏng và đừng quan tâm cái tay, nó sẽ tự làm theo bản năng.
      • Chân: Đừng đứng lì một chỗ không nhúc nhích, phải linh hoạt di chuyển trên sân khấu hoặc trong căn phòng. Cũng đừng có di chuyển một cách gượng ép như kiểu chạy lại bàn phím bấm chuyển slide xong lật đật chạy ra bước; hoặc như kiểu bước vù vù quanh căn phòng để đáp ứng nguyên tắc này thì thà đứng một chỗ cho đỡ chóng mặt. :p
    3. Giọng nói
      • Tốc độ: Vừa đủ, không được quá nhanh vì khi đó khán giả dễ bị miss thông tin.
      • Nhấn: Phải nói nhấn mạnh những từ khóa quan trọng.
      • Âm lượng: Đủ lớn, vừa đủ nghe.
  3. Kết luận (10%)
    1. James liệt kê những điểm nhỏ mà nãy giờ ổng chưa đề cập
      • Bước chuẩn bị và thực hành rất quan trọng
      • Để ý thời gian
      • Tự tin
    2. James tóm tắt những phần đã đề cập
      • Giao tiếp khán giả
      • Ngôn ngữ cơ thể
      • Giọng nói
    3. Hỏi - đáp với học trò

4. Chuyện thứ tư

Chuyện là cái lúc ổng dạy mình các điều cần lưu ý khi thuyết trình ở Chuyện thứ ba thì ổng kêu học sinh xây dựng lại cái dàn bài này. James đã đặt câu hỏi là “Nếu tôi muốn dạy cho các bạn cách để thuyết trình thì tôi cần nói về những điều gì?”

Sau khi học sinh dựng xong dàn bài cho ổng thì ổng bắt đầu dựa vào dàn bài này để nói một bài presentation thực sự luôn. Và cái presentation của James lúc đó cũng chính là bài học của ngày ấy.

Như vậy, cấu trúc trên vừa là cấu trúc mẫu của một bài thuyết trình, vừa là nội dung bài học về những điểm đáng lưu ý khi lên thuyết trình. Phải nói là càng học càng thấy mọi thứ trong tiết học được ông James tính toán rất kỹ và rất thâm.

5. Chuyện thứ năm

James thường nhắc đi nhắc lại:

  • “Nói vừa vừa thôi, bây thuyết trình mà nói nhiều chả ai muốn nghe đâu. Chừa phần cho khán giả đóng góp với.”
  • “Khán giả là người quan trọng nhất, không có khán giả thì bây nói với ai?”
  • “Mình hứa với người ta mình nói 5 phút thì mình phải nói 5 phút. 4 phút quá ngắn. 6 phút? Quá dài. 5 phút 30 giây? Không được. 5 phút 10 giây? Có thể tạm chấp nhận. Hứa 5 phút mà cuối cùng lòi ra không phải vậy thì không công bằng.” (Nguyên mẫu: “It’s not fair.”)
  • James nghiêng đầu, im lặng, tò mò nhìn chằm chằm vào một học sinh không chú ý. “Ủa cây bút đó có gì thú vị không bạn?” “Dạ không” “Không đúng hông? Ờ vậy tốt.”
  • “Ủa bạn có ổn không? Bạn có vấn đề gì về sức khỏe không?” - hỏi một người khác không chú ý.
  • “Nói mà người ta không muốn nghe thì đó là lỗi của bạn.”
  • “Người ta bỏ ra cả một tuần để chuẩn bị cái PowerPoint và 20 phút để thực hành thuyết trình trước khi họ lên sân khấu.”
  • “Đừng có cố gắng viết nguyên bài thuyết trình ra rồi học thuộc, lên nói như robot. Cứ nhớ structure, cần nói những gì, rồi lên đó biến ý tưởng thành lời nói.”
  • “Không có viết nguyên bài thuyết trình nha.”
  • “Không có viết nguyên bài thuyết trình nha.”
  • “Đừng có để chữ trên màn hình. Vừa nghe vừa đọc dễ bị rối lắm.” (Nguyên văn: “It’s really confusing.”)

6. Bye

Khi nào học thêm được cái gì đó hay ho thì viết ra tiếp hen. LOL.